Đăng nhập Đăng ký

Nỗi niềm xa quê.

Bao nhiêu năm xa quê vẫn đau đáu một nỗi niềm yêu quê không thể diễn tả được thành lời. Chỉ biết rằng quê hương là sự khởi đầu ngọt ngào nhất của cuộc đời. Cho đến bây giờ, trong những giấc mơ về tuổi thơ, vẫn nguyên vẹn hình ảnh dòng sông nhỏ, con đường xanh mướt hai hàng cây, những mái nhà thấp tỏa khói bếp mỗi chiều , những gương mặt bạn bè, người thân...

Bài viết liên quan

Xa quê sao mình không thương quê

​​​
Nó không bao giờ bảo với lũ bạn là nó sinh ra ở Quảng Trị – một mảnh đất miền Trung nghèo nàn, khô cằn với những ngọn gió lào thổi rát da. Nó chỉ bảo đó là quê hờ của nó, nghĩa là nhà nó chỉ tạm trú một thời gian để rồi chuyển ra Hà Nội ngay sau đó. 


Nó có quyền vênh váo với lũ bạn nó là người Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội và có quá nhiều kỷ niệm với Hà Nội. Ðã bao lần nó dạo quanh Hồ Gươm, ngồi ngắm trời qua hàng cây chi chít lá. Hồ Tây đối với nó đã quen chân, nó biết từng ngõ ngách, đếm được có bao nhiêu cây ven hồ. Nó ngang nhiên phóng xe khắp những con phố Hà Nội mà không sợ lạc. 


Nó chỉ nhắc về Quảng Trị bằng một giọng điệu xa xôi gần như lạ lẫm. "Gió Lào", nó rùng mình, nhăn mặt, nhún vai kiểu cách khi đứa con gái ngồi cạnh nó hỏi bạn đã từng nếm mùi gió Lào chưa? 


- "Chưa bao giờ, nhưng Hải thường nghe gió Lào chỉ có vào mùa hè thôi. Ôi dào, mùa hè ở đó mà chết khiếp lên vì nóng". Ðứa bạn nó quay đi nhếch môi cười buồn lặng lẽ: - "Quê mình ở Quảng Trị đấy"! – "Thế à?". Nó mở to mắt ra ngỡ ngàng – "Thế sao bạn không nói tiếng Quảng Trị?". Con bạn nó lúng túng, cúi gằm mặt xuống – "À, mình đổi tiếng, nói tiếng miền Trung không ai nghe được". Nó cười ra vẻ thông cảm: - "Ừ, tiếng đó khó nghe lắm, bạn đổi giọng là phải". Rồi nó chạy biến đi không để ý con bạn nó ngồi lặng người đi, sắp òa lên khóc. 


Lớp phát cho mỗi người một bản kê khai lý lịch. Nó hí hoáy viết thật nhanh, che tay lên bảng kê khai không cho đứa nào đọc. Con Mai gào lên khi thấy nó gấp đôi tờ giấy lại đi lên nạp cho lớp trưởng: - "Ê, viết nhanh khéo chừng viết sai đấy". Nó quay lại, chun mũi: - "Không đâu, người Hà Nội làm gì viết sai được". Con Mai chau mày nhăn nhó, lũ bạn của nó rỉ vào tai nhau xầm xì. Nó dúi tờ giấy vào tay lớp trưởng. "Nộp đấy, cấm xem nhé". Anh lớp trưởng phì cười vì thái độ của nó ra vẻ quan trọng. "Sao mà không được xem? À hay là bố mẹ tên hay quá rồi giấu chứ gì?". Nó vừa ngoe nguẩy lắc đầu vừa trợn mắt với anh: "Không đùa đâu nhé". Rồi nó chỉ bâng quơ ra ngoài lớp - "Trời hôm nay đẹp quá nhỉ, đi chơi xa là tuyệt nhất". Anh lớp trưởng gật gù ra vẻ hưởng ứng - "Ừ nhỉ, em ở Hà Nội nên có điều kiện để đi chứ bọn anh thì chỉ biết ru rú ở nhà". - "Anh này", nó cười "sao mặc cảm thế" nhưng trong lòng nó thì rất phấn chấn. Phải rồi ở Hà Nội thì lúc nào cũng có nhiều điều kiện hơn. 


Nó đứng đó thật lâu dường như để cấm không cho anh lớp trưởng đọc tờ khai của nó. Cho đến khi lớp dần dần có người lên nộp, đặt giấy của họ lên giấy của nó, nó mới nhảy tót xuống chỗ con Mai, ngó lom lom vào tờ khai của con Mai thấy hai chữ Quảng Trị to tướng. Nó cau mày lẩm bẩm vừa đủ cho nó và con Mai nghe thấy: "Lớp này sao người Quảng Trị nhiều thế?". Con Mai che tay bĩu môi nhìn nó, còn nó thì đang nghĩ đến hai chữ Quảng Trị bé tí của nó. 


Nó phóng xe bạt mạng trên phố, gió làm tóc nó bay rối tung lên. Nó thấy một đứa con trai lớp nó nhưng không biết tên đang đạp xe bên kia đường. Nó hét lên - "Ê, bạn ơi". Thằng con trai nhìn nó nheo mắt cười. "Bạn đi đâu đấy?". "Mình ra ga đón người thân đây". Rồi vẫy tay chào, ống tay áo rộng thùng thình bay chấp chới. 


Nó đứng giữa sân ga, ngó ngiêng quanh quất. Dòng người đông nghẹt xô đẩy nhau làm nó suýt ngã mấy lần. Nó cau mày văng ra chỉ độc nhất một câu: Ðồ bất lịch sự. Nó đứng mãi hồi lâu, dòng người đã thưa dần và tản mát ra các cửa ga nhưng nó vẫn không thấy bà đâu cả. Nó đi dọc theo đoàn tàu, nhìn sâu vào các toa. Cuối cùng nó thấy bà đang chậm rãi trèo từng bậc thang xuống đất. "- Bà ơi". nó chạy tới ôm chầm lấy bà. Bà nó âu yếm hôn lên tóc nó: "- Chua cha ơi, cháu của bà mau lớn quá, mẹ cháu mô rồi?". Nó liếng thoắng: "Mẹ cháu ở nhà, đang làm cơm chờ bà đấy. Mẹ cháu vui lắm bà ạ". Bà nó cười: "- Cháu bây giờ không nói tiếng Quảng Trị nữa răng? Phai giọng hết rồi cháu ạ". Nó phụng phịu, xách giỏ cho bà: "Thôi mình về đi bà ạ, mẹ cháu mong lắm đấy". Rồi nó kéo tay bà đi. 


Vừa bước ra ngoài cổng ga nó thoáng thấy bóng con Mai ở đằng kia đang nhìn quanh như tìm ai đấy. Nó giật thót người, định kéo tay bà vào trong nhưng con Mai đã nhìn thấy, nó chạy đến toe toét cười. "Hải cũng đi đón người nhà à? Mai cũng đón nhưng không gặp". Rồi con Mai quay sang bà của nó chào một cách ngoan ngoãn – "Bà của Hải à?". Nó gật đầu rồi nói thật nhanh: 


"- Thôi, mình về trước chứ mẹ mong. Mai về sau nhé". Chưa kịp nghe con Mai nói gì, nó kéo tay bà đi để lại con Mai nhìn theo ngơ ngác. 


Nó ăn cơm thật nhanh rồi đứng dậy, kéo ghế đánh soạch một cái. Bà nó và bố mẹ nó hôm nay nói toàn tiếng Quảng Trị, dùng toàn những từ mà chính nó đang cố quên. Bà nó vừa móm mém ăn cơm vừa nhìn nó bằng ánh mắt trìu mến: "Cháu không ăn nữa à?"- "Không ạ", nó đi ra phòng ngoài thả người xuống ghế. Nó cảm thấy lo âu khi nghĩ đến có ngày nào đó bạn nó đến chơi thì sẽ như thế nào nếu cả nhà nó đều vẫn giữ giọng như thế. Nó thở dài sườn sượt, lắc đầu mệt mỏi. 


Nó bóp còi inh ỏi trước nhà, vài người hàng xóm thò đầu ra cau mày khó chịu. Nó nghênh mặt tiếp tục bóp còi liên hồi. Lát sau, bà nó mới ra mở cửa, nó phóng ào ào vào nhà nhăn nhăn nhó nhó định càu nhàu sao bà chậm thế thì bà nó cười bảo: "Bạn của cháu đến lâu rồi đang ngồi chờ cháu đó". Nó giật thót người định hỏi là ai thì con Mai chạy ra miệng cười thật tươi. "- Hải đi đâu mà lâu dữ vậy? Tao ngồi đây chờ phát suốt ruột, may mà có bà…". Rồi nó quay đầu nhìn bà ngụ ý. Mặt nó nóng bừng lên, một cảm giác hồi hộp, âu lo xâm chiếm người nó. Nó đi vào nhà, gói quà to tướng để trên bàn đập vào mắt nó: "- Cái gì thế này?". Con Mai cười toe toét: "Happy birthday to you". "- Birthday?". Nó ngớ người ra "À, 30 tháng 9". Nó nóng bừng mặt, một cảm xúc mạnh mẽ trào dâng trong người nó. Nó lúng túng không biết phải nói câu gì với con Mai. Bà nó lên tiếng, giọng nặng nề mà nó đã từng bảo là khó nghe quá: "- Ngày này 19 năm trước, cháu khóc oe oe nơi Hải Lăng đó". 


Nó cau mày, mặt nhăn nhó một cách thảm hại. Nó cảm thấy tất cả sự cố gắng của nó dường như đã trở thành con số không. Người nó sắp lên cơn sốt, đầu óc nó căng lên như sợi dây đàn sắp đứt. Mai như chợt hiểu ra những gì đang diễn ra trong đầu nó. Mai cười xởi lởi khỏa lấp không khí nặng nề cho chùng xuống: "Sinh nhật mà mi không vui à? Mở quà ra xem nào?". Nó nghe nó càng thấy khó chịu. Nó có cảm giác Mai đang chế giễu, đang mỉa mai nó. Nó vất túi lên bàn đánh sầm, bà nó giật mình, con Mai ngơ ngác. Nó lầm bầm nhưng không thành tiếng. Nó thoáng thấy Mai cười khẩy, nó tê người. 


Nó nằng nặc bảo mẹ đưa bà về quê. Mẹ mắng nó một trận sau đó làm lành bằng những lời khuyên thật dài. Nó uể oải gục gặc đầu xuống thành ghế cố nghĩ đến một điều gì đó nhưng giọng mẹ nó cứ đập chan chát vào đầu nó. Nó im lặng, không nói gì. Nó biết làm gì khi mẹ nó giận? 


Ðài báo bão, không khí cả nhà lặng xuống, bố nhìn mẹ, mẹ nhìn bà. Mắt bà giật liên tục. Bà buồn. Bữa cơm bỏ dở. Bà suốt ngày ngồi bên tivi, mẹ và bố lo lắng cho bà, còn nó đứng tần ngần ngay cửa. "- Cơn bão số 6 tràn vào miền Trung, Huế và Quảng Trị thiệt hại nặng nhất". Mai thầm thì vào tai nó – "Hải Lăng bị nặng lắm đấy". Nó quay đi, lòng chợt buồn, trước mặt nó hiện lên vùng quê hẻo lánh ấy, nơi mà nó đã một vài lần cùng bố mẹ trở về. 


Bà nó đòi về quê, mẹ lo cuống lên không chịu, bố trầm ngâm. Mẹ khóc: "- Bão còn đó, mẹ về nguy hiểm lắm". - "Cho dù có chết tau cũng phải về, còn bàn thờ tổ tiên ở đó, tau không thể bỏ được. Ngày mai, đứa nào đưa tau ra ga, tau về sớm chừng mô tốt chừng nấy". Mẹ khóc to hơn, bố thở dài: "Nếu mẹ quyết định rồi thì đành vậy, cho dù bây chừ giữ mẹ lại cũng không được. Ngày mai, con đưa mẹ về". "Không cần đâu, giọng bà cứng cỏi, con còn nhiều công việc, mẹ về một mình cũng không sao mô". Mẹ ôm chặt bà khóc nấc lên. Nó, người đã từng nằng nặc bảo mẹ đưa bà về quê, giờ đây không biết nên buồn hay nên vui. 


Mẹ lúi húi sắp đồ cho bà, nó đứng bâng quơ, lòng trống rỗng. Quê hương của nó, nơi mà nó đã tìm mọi cách để giấu đi giờ đây đang khắc khoải vì giông bão. Quảng Trị, mảnh đất khô cằn là thế, sỏi đá là thế, nóng bức là thế, bây giờ đang chìm trong cơn lũ. Nó muốn nó trở thành người Hà Nội chính gốc, nó muốn mọi người phải nhìn nó như là người Hà thành. Nó khẽ thở dài, thấy lòng nhoi nhói. 


Bà về quê, cả nhà đều thấp thỏm. Mẹ lo đến mất ngủ, nó thì trằn trọc cả đêm. Bố bật tivi nghe thời sự nhưng nó biết chủ yếu là nghe dự báo thời tiết. Bão vẫn còn, trên màn hình, những ngôi nhà dần dần bị cuốn trôi, sụt lở nước cuộn chảy đục ngầu, trời u ám nặng hơi nước. Cùng lúc đó, tiếng của người đọc bản tin vang lên rõ mồn một: "Ðoàn tàu S5 đi Sài Gòn chiều hôm qua đã phải dừng lại tại Quảng Trị vì nước ngày càng dâng cao, theo dự báo thì mực nước sẽ dâng lên trên mức báo động số 3... ". Mẹ lặng người. Bố lặng người. Nó cũng lặng người, bàn tay bấu chặt nơi thành ghế. Mẹ khóc nấc lên "Bà ơi". Bố ôm lấy mẹ, tia mắt đỏ ngầu. 

Nó đi về phòng mà cảm giác như đi trên mây, chới với. Nó muốn gào lên hét lên rằng: "Bà ơi cháu có lỗi với bà lắm, bà tha lỗi cho cháu bà ơi". Nó nằm vật xuống giường, Hải Lăng hiện lên trong nó giờ đây là nước lũ, là mưa gió, hình bóng bà chập chờn run rẩy trong mưa. "- Hải ơi", mẹ gào lên trong tiếng nấc bên ngoài "Mọi người trên tàu đó phải di chuyển hết rồi, nước càng ngày càng dâng cao, bà ơi..." Nó thảng thốt, nước mắt chảy tràn ra. Nó biết mình đang khóc. 





Chủ sở hữu: Công ty Cổ phần Rate Plus
Giấy CNKD số: 0105887981
Ngày cấp: 16/05/2012
Nơi cấp: Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội
Người đại diện: Ông Đặng Duy Bảo
LIÊN HỆ
Điện thoại: 024 71 060606
Email: info@rateplus.vn
Trụ sở chính: Tầng 6A tòa nhà Central Point - số 219 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội