Đăng nhập Đăng ký

Đường học gian nan.

Có thể dễ dàng nhận thấy trong xã hội ngày nay, những con em có điều kiện, con đường học hành rất bằng phẳng. Việc được học ở một trường đại học danh tiếng hay du học nước ngoài là điều hiển nhiên với họ. Ngược lại, trong xã hội cũng có những em có hoàn cảnh đặc biệt, mặc dù rất muốn được đến lớp đến trường nhưng điều kiện khó khăn, không thể tiếp tục việc học, thậm chí chưa từng được đi học.

Bài viết liên quan

TRƯỢT ĐẠI HỌC

120806HDThirotDH01-d148d.jpg (500×333)

Trước khi câu chuyện này xảy ra, tôi chỉ lơ mơ biết rằng vào đại học là một chuyện quan trọng lắm. Tốt nghiệp cấp ba rồi ai cũng phải vào đại học như một lẽ đương nhiên vậy. Vào đại học, quãng đời học hành gian khổ sẽ chấm dứt. Sẽ không còn những ngày học thêm hai ba ca, sẽ không còn những núi bài tập, sẽ không còn áp lực điểm số đè lên tâm trí tôi ngay cả trong giấc ngủ.

Nhưng tôi lại tự hỏi nếu không vào đại học thì sao nhỉ. Trong mười người giàu nhất thế giới thì chín người không có bằng đại học. Và tôi lại đọc được trên báo rằng:”Không phải thất bại mà chỉ là thành công bị trì hoãn”. Vậy thì vào hay không vào đại học cũng chả quan trọng lắm. Đấy, tôi nghĩ như thế đấy, nhưng chỉ đến khi xảy ra câu chuyện này, tôi mới biết trượt đại học thực sự là thế nào.

Hồi đó tôi mới học hết lớp mười còn anh tôi chuẩn bị bước vào kì thi đại học. Anh tôi là người tôi vô cùng ngưỡng mộ, là niềm hi vọng của cả nhà. Trong khi tôi học rất bình thường thì anh đỗ vào chuyên tin của trường chuyên và còn giành hẳn một giải cấp tỉnh. Dường như anh biết tất cả mọi thứ về máy tính, tôi vì thế nhiều lúc cũng được nhờ. Nhưng chắc thi đại học không dễ như giành giải. Chẳng thế mà bố tôi phải sắm hẳn cho anh cái xe máy để đi học ở các lò luyện thi. Lịch học của anh dày đặc đến mức hai anh em cả ngày không mấy khi gặp nhau dù sống cùng một mái nhà. Mất công ôn luyện như thế, tư chất như thế, ai cũng nghĩ anh sẽ đỗ. Vậy mà... anh trượt.

Anh chỉ thiếu có nửa điểm. Nửa điểm tưởng như rất nhỏ nhưng lại là một khoảng cách mênh mông giữa người đỗ và kẻ trượt. Cả nhà tôi lúc ấy vẫn hi vọng người ta sẽ hạ điểm chuẩn xuống vì mọi năm họ vẫn làm vậy. Bởi thế tôi vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng anh tôi sẽ vào đại học. Họ sẽ hạ điểm chuẩn thôi vả lại còn nguyện vọng hai và nguyện vọng ba nữa. Làm sao anh có thể trượt đại học được, anh là niềm tự hào của cả nhà cơ mà. Nhưng rồi quả bóng hi vọng căng đầy của cả nhà cứ dần teo tóp lại theo thời gian. Cánh cửa đại học trước mặt anh tôi khép lại từ từ. Không có tiếng “rầm”, cánh cửa ấy đóng lại trong im lìm, đóng lại một cách êm ái nhưng tàn nhẫn, tuyệt nhiên không để chừa một khe hở.

Tôi rất lo cho anh. Tôi đã nghe nói nhiều người tự tử vì trượt đại học. Nhưng tôi nhận ra mình đã lo quá xa. Anh tôi là một người mạnh mẽ chứ không yếu đuối như thế. Anh chẳng tỏ ra buồn bã mà còn nói với tôi rằng đây chỉ là một kì thi kéo dài hai ngày. Hai ngày ngắn ngủi so với ba vạn sáu ngàn ngày đời người chẳng là cái gì. Đánh giá con người ta chỉ qua hai ngày thì thật sai lầm. Thấy anh tôi cứng cỏi như thế tôi cũng lấy làm mừng. Tôi nói với anh rằng đấy không phải một thất bại mà là thành công bị trì hoãn. Anh liền nở một nụ cười tươi sáng như thể anh không trượt đại học, như thể anh đã cầm tấm bằng ấy trên tay. Bữa cơm hôm ấy trên khuôn mặt bố mẹ tôi cũng không thấy nét buồn phiền. Nó cũng bình thường như bao bữa cơm gia đình đầm ấm khác. Bố nói với anh tôi: 
- Con trai không việc gì phải buồn. Đại học không phải là cánh cửa duy nhất bước vào đời. 
- Vâng- anh tôi đáp- năm sau con chắc chắn sẽ thi đỗ. 
Mẹ tôi nói: 
- Theo mẹ, con cứ nên học cao đẳng, vừa học vừa ôn thi cho năm sau. Một năm ngồi nhà cũng chán. Học cao đẳng cũng có thể liên thông lên đại học mà. 
- Vâng. 
Không khí lạc quan bao trùm lên bữa cơm ấy. Ai cũng giữ nét mặt vui tươi. Thỉnh thoảng lại có một câu nói đùa vui vẻ. Tôi an tâm. Có nhiều con đường khác nhau cho anh tôi chọn lắm chứ đâu chỉ có con đường dẫn qua cánh cổng đại học. 
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Đó chỉ là chút nắng nhẹ của bầu trời trước cơn giông bão mà thôi. 
Một hôm nhà tôi giỗ cụ mời họ hàng đến ăn. Một ông chú hỏi anh tôi: 
- Thế cháu năm nay vào trường gì? 
Đã rất nhiều người hỏi anh tôi như thế và chắc chắn chẳng dễ dàng gì trả lời để rồi nhìn thấy trong ánh mắt người ta vẻ thương hại. Bố tôi cũng hiểu thế nên trả lời hộ anh: 
- Cháu nó học cao đẳng bách khoa. 
- À vậy à. Học cao đẳng cũng tốt- người chú vô tư nói. 
Mọi người trong mâm cỗ gật gù đồng tình. Anh tôi cũng cười nhưng không được tự nhiên. Anh cũng như tôi đều nhìn thấy ở mọi người vẻ đồng tình giả tạo. Trên khuôn mặt họ có nét gì đó ngại ngần, lồ lộ cái vẻ thương hại dành cho kẻ thất bại. Bố tôi nói to, dường như ông đã hơi ngấm men say: 
- Đại học không phải cánh cửa duy nhất bước vào đời. 
Mọi người trong mâm cỗ gật gù đồng tình. Bố tôi tiếp tục thao thao kể về những tấm gương thành công không qua trường lớp: 
- Thằng Bình con ông Quang đấy, có học hành gì đâu mà đi buôn đất tiền không để đâu cho hết. Khối thằng học đại học ra rồi cũng chả biết làm gì, đấy chẳng bằng cái thằng không học đại học. 
Mọi người trong mâm cỗ gật gù đồng tình. Ai ai cũng nhất trí với quan điểm của bố tôi. Nhưng anh tôi thì không lấy làm vui, tôi biết thế.

Một năm trôi qua. Mọi việc không còn tươi sáng như lúc đầu. Anh không còn hứng thú học hành. Chẳng mấy khi tôi thấy anh học, mà tôi biết anh cũng hay bùng tiết. Ở cái lớp cao đẳng của anh, chẳng ai học cả nên anh cũng chẳng thiết học. Suốt ngày tôi thấy anh vật vờ hết ngủ lại ôm cái máy tính cày võ lâm. Anh cũng bắt đầu uống rượu, tuần ít phải một hai lần. Chán học, anh không mặn mà gì ôn bài để thi đại học. Những kiến thức cũ rơi rớt dần. Tất yếu... anh lại trượt đại học lần nữa. Đến lúc này thì anh nản hẳn và bố mẹ tôi cũng nản hẳn. 
Một hôm anh đi nhậu với bạn không về ăn cơm. 
- Nó lại không về à?- bố tôi hỏi. 
- Ừ. Lại đi uống rượu- mẹ tôi đáp. 
Bố tôi thở dài thườn thượt lẩm bấm: 
- Con với cái. Hỏng thật rồi. 
Mẹ quay ra nói với tôi: 
- Mày nữa. Liệu mà học hành cho tử tế. Đừng có như thằng anh mày. 
Nói xong mẹ bê bát cơm vào bếp. Mẹ cố giấu nhưng tôi vẫn kịp trông thấy một giọt nước trên khoé mắt bà. Còn lại mình tôi với bố. Ông nhẹ nhàng nói với tôi: 
- Đấy con thấy không, trượt đại học chẳng ra gì đâu. Con phải cố gắng đừng để làm bố mẹ thất vọng nhé. 
Tôi gật đầu. Đêm ấy, anh tôi về nhà say khướt, đến nỗi sáng hôm sau tôi dậy thấy trước cửa nhà một bãi nôn phải lau vội trước khi bố mẹ thấy rồi lại to chuyện. Tôi thương anh lắm. Tôi tự hứa nhất định mình phải thi đỗ đại học.

Năm sau đó đến lượt tôi thi đại học. Tôi ôn bài rất chăm chỉ. Tôi cũng không chọn trường top như anh mà chỉ dám chọn một trường làng nhàng. Cuối cùng tôi đỗ. Bố mẹ tôi mừng lắm. Anh cũng chúc mừng tôi. Bao công sức tôi bỏ ra đã đem lại trái ngọt. Cả nhà tổ chức hẳn một buổi mừng tôi đỗ đại học mời các cô, các bác, các chú đến dự. Nhưng có một điều làm tôi hơi buồn: anh không dự bữa tiệc của tôi. Anh bảo anh bận nhưng tôi biết anh xấu hổ. Tôi được bao bọc bởi biết bao lời chúc mừng tốt đẹp, biết bao lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng nhưng trong lòng tôi vẫn đọng một khoảng mây u ám. Tự thâm tâm tôi biết anh tôi hơn tôi rất nhiều. Vậy mà chỉ qua hai ngày thi người ta đánh giá tôi hơn đứt anh. Có điều gì đó không đúng, có điều gì đó thật bất công với anh.

Tối hôm ấy anh lại say. Mẹ ra mở cửa cho anh: 
- Lần sau uống rượu thì đừng có vác mặt về nhà nữa. 
- Uống rượu thì sao? Tôi thích uống kệ tôi. 
- Học hành thì không lo. Rồi đời mày hỏng mất con ơi. 
- Tôi đếch thích học nữa đấy. Đời tôi có hỏng cũng kệ, mẹ không phải lo. 
Đến đây mẹ tôi ôm mặt khóc. Bà định nói nhưng tiếng nói méo xệch đi. Những tiếng nấc nghẹn ngào khiến bà chỉ phát ra được những âm thanh ú ớ. Thấy thế tôi bèn nói với anh: 
- Sao anh lại nói thế với mẹ? Anh có biết mẹ buồn vì anh nhiều thế nào không? Sao anh không cố gắng để làm mẹ vui? 
- Mày tưởng tao không cố chắc. Mày chỉ biết mẹ buồn chứ tao thì không buồn chắc. Mày có biết hai năm nay tao không đi họp lớp không? Tao chẳng dám nhìn mặt bạn bè nữa. Lớp tao có mỗi mình tao thi trượt. Mỗi lần có ai hỏi tao học đại học gì tim tao lại đau nhói. Mà mày có biết cảm giác đấy không? Mỗi khi thấy người khác thì thầm về mình. Rồi ai cũng nhìn tao thương hại. Mày có biết không?
Anh nói như hét vào mặt tôi. Chỉ còn anh và tôi. Mẹ tôi đã chạy về buồng. Bố tôi thì đang đi công tác. Anh tôi lại nói tiếp, tôi không biết anh đang nói hay rượu đang nói nữa: 
- À mày không biết. Mày có trượt đại học đâu. Mày là niềm tự hào của cả nhà cơ mà. Mày đâu có làm ai thất vọng. Mày có như thằng anh không ra gì của mày đâu. Làm sao mày biết được cái cảm giác trượt đại học nó như thế nào? 
Tôi nín lặng. Tôi còn biết nói gì nữa. Anh đáng thương hơn là đáng giận. Nói xong, anh cũng không vào nhà mà quay lưng đi thẳng. Lúc ấy trời quang đãng nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ nhầm là trời mưa rất to. Đáng lẽ phải mưa to thì mới hợp với hoàn cảnh đấy. Thế mà ông trời không nhỏ lấy một giọt nước mắt cho anh tôi. Ông ấy thật nhẫn tâm.

Đó là một kỉ niệm buồn mà sau này tôi hay lấy ra để trêu anh tôi. Cũng phải bốn năm từ ngày đấy rồi. Anh không còn ở với chúng tôi nữa. Anh đã đi đến một chân trời xa rất xa. Tôi bây giờ đang vất vả với khoá luận tốt nghiệp. Chả mấy chốc mà tôi ra trường. Vèo một cái mà quãng đời đại học sắp qua, nhìn lại cũng chẳng an nhàn như mẹ tôi hứa. Ấy là tại vì tôi tự hứa với mình cố gắng lấy được tấm bằng giỏi, sau này xin việc sẽ thuận lợi hơn. Tôi chỉ biết đi con đường đấy chứ không được như anh tôi. À mà tôi đã kể cho các bạn về anh tôi chưa nhỉ? Anh ấy bây giờ làm cho một công ty phần mềm ở Mỹ lương tháng mấy nghìn đô. Anh ấy là niềm tự hào của cả nhà tôi.

Sau cái đêm hôm ấy, anh không còn uống rượu nữa. Thay vào đó, anh xin tiền đi học lập trình viên và đi học tiếng Anh. Người ta phát hiện ra khả năng của anh ấy và dần dần anh cũng tìm được hướng đi cho mình. Anh ấy là thần tượng của tôi đấy. Nhưng bạn có thể hỏi tôi: tôi có bằng đại học còn anh ấy thì không. Ồ nó cũng chỉ là một tờ giấy thôi, tôi có một tờ giấy còn anh ấy thì không, điều đó chẳng nói lên được tôi giỏi hơn anh ấy. 
Tôi nhớ như in bữa tiệc tiễn anh sang Mỹ. Bố tôi mời cả họ đến ăn uống. Hôm ấy bố tôi rất vui. Ông nói oang oang trong men say: 
- Đại học không phải cánh cửa duy nhất bước vào đời. 
Mọi người gật gù đồng ý. Tất cả đều liếc nhìn anh tôi bằng con mắt thán phục. Anh tôi nở nụ cười, không phải nụ cười ngượng nghịu mà là nụ cười tươi sáng. Tôi liếc nhìn mẹ. Dù mẹ cố giấu nhưng tôi vẫn thấy một giọt nước trên khoé mắt. Nhưng tôi biết đó là giọt nước mắt của hạnh phúc.

Câu chuyện của tôi đến đây là hết. Tôi phải quay lại với khoá luận tốt nghiệp của mình thôi. Mà nhân tiện xin hỏi bạn một câu: bạn có muốn trượt đại học như anh tôi không?

https://www.facebook.com/diengia.trandangkhoa/posts/10151730168137733





Chủ sở hữu: Công ty Cổ phần Rate Plus
Giấy CNKD số: 0105887981
Ngày cấp: 16/05/2012
Nơi cấp: Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội
Người đại diện: Ông Đặng Duy Bảo
LIÊN HỆ
Điện thoại: 024 71 060606
Email: info@rateplus.vn
Trụ sở chính: Tầng 6A tòa nhà Central Point - số 219 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội