Đăng nhập Đăng ký

Cậy nhờ.

Nếu bạn muốn trở nên thú vị, hãy thích thú, nếu bạn muốn được hài lòng, hãy làm người khác hài lòng, nếu bạn muốn được yêu, hãy tỏ ra đáng yêu, nếu bạn muốn được giúp đỡ, hãy sẵn lòng giúp đỡ.

William Arthur Ward

Bài viết liên quan

Bé cậy cha, Già có con cậy con được không?

Xã hội Việt Nam ngày xưa kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với mức gần như là tự cung, tự cấp; cả cộng đồng sống quần cư trong lũy tre làng. Họa hoằn lắm chỉ có “người chức việc” như các hương chức làng xã  mới đi lên huyện, lên tỉnh mà thôi, còn rất ít người làm việc bán buôn hàng thì họ mới đi lên phố thị. Trong làng, gần  100% gia đình và 100% người dân đều sống vào nông nghiệp. Trai, gái làng thường  yêu  nhau qua các buổi làm đồng, nên vợ, nên chồng và ở chung trong một gia đình cùng cha mẹ, sinh con, nối dõi … cũng lại làm nông nghiệp. Một gia đình lớn có thể có 3, 4 thế hệ chung sống gọi là “tam đại, tứ đại đồng đường” và cho rằng thế là hạnh phúc. Trong gia đình người lớn phải có trách nhiệm làm gương về đạo đức, ra sức làm lụng kiếm tiền và định hướng công việc gia đình, người nhỏ hơn phải theo lời chỉ dẫn người trên, phải chí thú học tập (nếu nhà kha khá) hoặc làm việc hỗ trợ kinh tế gia đình, trẻ con được chăm sóc, dạy dỗ nghiêm, phụ nữ được bảo vệ để chăm sóc gia đình  và người già được mọi người kính trọng và chăm sóc trong niềm hiếu kính. Đạo lý ta rất coi trọng chử “Hiếu” , cho rằng  “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và ai mà sống bạc bẽo với cha mẹ thì sẽ  phải hổ thẹn với câu “Cha mẹ nuôi con biển, hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ kể  tháng tính ngày”. Khi các cụ đạt tuổi tròn một vòng hoa giáp (60 tuổi), các con cháu có bổn phận lo sắm sanh quần áo, khăn vành, giầy, dép đẹp cho, lại sắm sửa lễ vật cáo làng để xin làng làm lễ khao thọ cho các cụ. Từ đây các cụ được xem như tròn nghĩa vụ với làng nước, không còn phải đóng thuế thân, chịu sưu, được làng mời dự vào trong các cuộc cúng tế của làng, ngồi với các vị chức sắc của làng cho có phần vinh hiển. Nền kinh tế lúc đó tuy còn khá nghèo nhưng thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,  người già dẫu sao cũng có được mái ấm gia đình, có miếng ăn hàng ngày và  được sống vui vầy cùng con cháu trong niềm kính trọng. Nên bậc làm cha mẹ cả đời đều không tiếc công sức để mong gầy dựng cho con cái nên người, chỉ mong sao lúc tuổi cao, sức yếu  được thảnh thơi hưởng cảnh “Bé cậy cha, già cậy con” như phúc trạch của đời mình.

Ngày nay kinh tế nước ta đang trong thời hội nhập, vận hành theo cơ chế thị trường, các ngành nghề  ganh đua phát triển. Con (trai, gái) lớn lên được cha mẹ lo cho ăn học chốn thị thành, khi  thành danh thì hầu như không về quê cũ; Người trẻ trung nghèo khó cũng bỏ quê lên tỉnh bươn chải kiếm việc làm với mong mõi được đổi đời hai sương một nắng. Cảnh nhà xưa ngày càng hiu quạnh khi các con lớn lên lần lượt ra đi; tuổi lớn dần, sức khỏe cũng suy dần, bệnh tật trồi lên như nấm mọc sau mưa, chăm sóc cho thân mà còn không xong có sức đâu để sửa sang nhà cửa. Thế là lại trở về khởi điểm ban đầu, cặp vợ chồng son già phải tự chăm sóc lẫn nhau, thiếu tình hôm sớm con cháu, thiếu cả bạc tiền khi đau ốm. Còn có những trường hợp không hiếm, cha mẹ già không được con chăm sóc mà vì khó khăn trong công việc sinh kế, các con lại gửi cháu về quê để nhờ ông bà trông hộ, vòng đời lại tiếp tục xoay, xưa đã khổ vì con nay về già lại vất vả thêm vì trông nuôi cháu. Hỏi thăm nhiều cụ tuổi cao, khi xưa xã hội có nhiều người già phải đi ăn xin không thì các cụ bảo rằng vật chất lúc trước không bằng bây giờ nhưng tình cảm và đạo lý gia tộc rất nghiêm nên rất ít có cảnh để người già cơ nhỡ ăn xin, có chăng chỉ lâm vào cảnh những  gia đình tuyệt tự đường con, cháu. Không hiểu sao, nay kinh tế phát triển nhiều thì người già ăn xin lại nhiều hơn, nhất là ở nơi phố phường đông đúc?. Với bản chất người Việt Nam, việc phải ăn xin chắc là không ai muốn làm vì họ biết rằng họ chỉ có thể xin được người đời  miếng ăn để đỡ dạ nhưng họ không thể xin ai được tình cảm con cháu đối với họ đang thiếu thốn đến đắng lòng trong những đêm nằm cô quạnh.

Biết rằng sự vô thường  là định luật của  tự nhiên: thành, trụ, hoại, không ở vạn vật và sinh, lão, bệnh, tử cũng là quy luật chung của con người. Nhưng sao chứng kiến cảnh người già vất vả mà tự nhiên lòng cứ thấy xót xa. Mùa Vu lan vừa qua, nay lại đến ngày 01/10, Ngày Quốc tế người cao tuổi, xin mạn phép ghi lại vài điều cảm nhận riêng tư và mong được chia sẻ, cảm thông.

 


                                                                      





Chủ sở hữu: Công ty Cổ phần Rate Plus
Giấy CNKD số: 0105887981
Ngày cấp: 16/05/2012
Nơi cấp: Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội
Người đại diện: Ông Đặng Duy Bảo
LIÊN HỆ
Điện thoại: 024 71 060606
Email: info@rateplus.vn
Trụ sở chính: Tầng 6A tòa nhà Central Point - số 219 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội